Các "chợ ảo" đã xuất hiện và có xu hướng tăng nhanh về số lượng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Hiện nay, các trang web dịch vụ mua sắm trực tuyến có hướng đầu tư sâu hơn về mặt chất lượng để phát triển. Các doanh nghiệp đã chú trọng đến đầu tư nâng cấp chất lượng giao diện website, cung cấp dịch vụ tốt hơn như truy cập nhanh, giao diện đẹp, dễ sử dụng, cung cấp nhiều thông tin cho từng sản phẩm về giá cả, xuất xứ.
Các sàn giao dịch thương mại trực tuyến được hoạt động dưới hình thức những siêu thị điện tử kinh doanh nhiều mặt hàng và tùy theo lợi thế, mục đích của từng siêu thị điện tử sẽ có một vài nhóm hàng hóa chủ lực. Vì vậy, không khác gì những mô hình chợ trực tiếp, chợ trên mạng cũng tập trung khá phong phú về chủng loại cũng như mẫu mã.
Hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch điện tử, trong đó không ít trang web đã tạo được uy tín trên thị trường. Có đến hơn 10.000 mặt hàng thuộc các ngành hàng như: kim khí điện máy, quà lưu niệm, hoa, sách, quần áo, hàng thể thao, trò chơi, trang sức, mỹ phẩm, kinh doanh quảng cáo,...
Đối với người mua: nhờ TMĐT người mua sẽ có nhiều cơ hội kiểm tra món hàng và tham khảo thật chi tiết doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm trước khi quyết định lựa chọn món hàng, có cơ hội tham khảo để chọn giá cả vừa ý nhất với mình, mà không phải chịu bất cứ sự khó chịu nào từ phía người bán hàng. Hơn thế, người mua còn nhận được sự tư vấn trực tuyến, dễ dàng đặt món hàng theo yêu cầu của mình với bất kỳ nhà cung cấp hay sản xuất nào trên toàn thế giới; có cơ hội mua được hàng với giá rẻ cũng như mua được những món hàng độc đáo, mới lạ mà không tốn nhiều thời gian, công sức cho việc tìm kiếm. Tuy nhiên, nếu không sáng suốt để lựa chọn thì như tất cả các dạng thương mại khác, nguy cơ chọn phải hàng kém chất lượng, cũng như gặp một số dạng lừa đảo trực tuyến, gian lận thương mại có thể xảy ra.
Đối với người bán: nhờ có TMĐT người bán có nhiều cơ hội để quảng bá và bán được sản phẩm của mình đến tất cả mọi nơi vì thị trường không biên giới, tiết kiệm được chi phí song người bán cũng có thể sẽ phải chịu nhiều sự cạnh tranh từ rất nhiều phía đòi hỏi họ phải nỗ lực hết sức để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn và lợi nhuận trên mỗi món hàng sẽ ngày càng ít hơn.
TMĐT thật sự làm cho con người xích lại gần nhau hơn, tin tưởng hơn và mang lại sự tiện lợi hơn.
Tiềm năng và thực trạng phát triển TMĐT của Việt Nam
Việt Nam có nhiều mặt hàng cần xuất khẩu, TMĐT có thể giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với tất cả khách hàng. Các sản phẩm thông tin, tri thức, dịch vụ, du lịch… cần chào bán đi khắp nơi trên thế giới, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam nổi tiếng là tiếp thu nhanh, nhạy. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực này, thể hiện qua các chủ trương khuyến khích TMĐT phát triển trong thời gian qua. Với việc ban hành Luật công nghệ thông tin cũng như Luật giao dịch điện tử, cơ sở hạ tầng về mạng internet nói riêng và công nghệ thông tin nói chung đang phát triển nhanh và nhất là các lợi ích từ TMĐT đã làm cho doanh nghiệp ngày một phát triển và, đến lượt mình, lại đóng góp trở lại cho phát triển TMĐT.
Hiện nay, có rất nhiều các website về TMĐT các dạng doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng, khách hàng với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lập các website bán hàng qua mạng cho riêng mình phục vụ rất tốt việc tiếp thị, quảng bá bán hàng, hỗ trợ bán hàng cũng như tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường ra khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cản trở lớn để TMĐT Việt Nam phát triển chính là việc người dân và cả doanh nghiệp cũng chưa thật sự hiểu rõ lợi ích của TMĐT đem lại. Người dân thì chưa tin, doanh nghiệp thì thờ ơ, làm cho có. Ngoài ra, một vấn đề lớn hơn là thanh toán trực tuyến. Theo điều tra của Vụ thương mại điện tử thuộc Bộ Công Thương thì có hơn 98,3% doanh nghiệp có website giới thiệu về doanh nghiệp mình, trong đó có đến hơn 62,5% website chỉ dùng để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ và chỉ có khoảng 27,4% cho phép đặt hàng qua mạng trong đó số website có hỗ trợ thanh toán trực tuyến chỉ hơn 3,2%. Có quá nhiều bất cập khi sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam bởi hệ thống ngân hàng vẫn chưa kết nối tốt với nhau. Bảo mật cũng là vấn đề rất lớn và không chỉ có thế, tội phạm qua mạng ở Việt Nam cũng tác động đáng kể đến tâm lý mua hàng của người dân và doanh nghiệp dẫn đến e ngại trong giao dịch trực tuyến. Một số website bán hàng qua mạng nổi tiếng trên thế giới đã ngăn không cho các giao dịch thanh toán trực tuyến từ các máy tính tại Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc phát triển TMĐT nói chung và tạo điều tiếng xấu trong giới công nghệ thông tin Việt Nam. Tội phạm trực tuyến trong nước tuy không nhiều nhưng đã có và gây ảnh hưởng rất lớn đối với niềm tin của khách hàng dành cho các doanh nghiệp có bán hàng trực tuyến nói riêng và các doanh nghiệp chuyên kinh doanh TMĐT nói chung.
Theo đánh giá sau cuộc khảo sát được Vụ Thương mại điện tử thực hiện cuối năm 2008, tình hình hoạt động của các sàn giao dịch TMĐT đã có được những bước phát triển hơn về hình thức lẫn chất lượng so với các năm từ 2005 trở về trước. Các doanh nghiệp kinh doanh "chợ ảo" có xu hướng phát triển website chất lượng hơn, thông tin bổ ích hơn, đảm bảo vấn đề chất lượng hàng hóa nhằm tạo lập uy tín, lòng tin cậy của khách hàng để thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường.
Theo thống kê mới nhất, tính đến tháng 8/2009, Việt Nam đã có khoảng 21,8 triệu người truy cập Internet, chiếm 25,3% dân số cả nước. Tỷ lệ này cũng ngang bằng với tỷ lệ chung của toàn cầu năm 2008.
Nếu cuối năm 2007 số người truy cập Internet ở Việt Nam là khoảng 5,21 triệu người, đến cuối năm 2008 con số này đã tăng lên gần 400%, tức khoảng 20,8 triệu người, tám tháng sau đó, con số này đã lên đến hơn 21,8 triệu, dự đoán đến cuối năm 2009, số người Việt Nam truy cập Internet có thể lên đến 22 đến 23 triệu người, chiếm tỷ lệ 25,6% - 26,7% dân số cả nước. Những thống kê này cho thấy một tín hiệu lạc quan về sự phát triển TMĐT ở Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2015.
Theo thống kê của Vụ Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương, đến cuối năm 2004, Việt Nam đã có khoảng 4.206.588 website của các doanh nghiệp, trong đó số tên miền .vn (như .com.vn, .net.vn,...) đã tăng từ 10.000 (năm 2005) lên 25.510 (năm 2007) và 39.037 (năm 2008).
Năm 2007, 2008 là năm các website sàn giao dịch B2B (marketplace), các website rao vặt, các siêu thị trực tuyến B2C,... đua nhau ra đời. Tuy nhiên, các website này vẫn còn phát triển hạn chế, chưa có website nào thực sự phát triển đột phá vì nhiều nguyên do. Những mặt hàng được bán phổ biến trên mạng tại Việt Nam hiện nay gồm: hàng điện tử, kỹ thuật số, sản phẩm thông tin (sách điện tử, CD, VCD, nhạc...), thiệp, hoa, quà tặng, hàng thủ công mỹ nghệ. Các dịch vụ ứng dụng TMĐT nhiều như: du lịch, tư vấn, CNTT, dịch vụ thông tin, dịch vụ quảng cáo (thông tin tổng hợp, thông tin chuyên ngành...), giáo dục và đào tạo,...
Các doanh nghiệp cũng đã quan tâm nhiều hơn về việc lập website để giới thiệu thông tin, hỗ trợ marketing, bán hàng qua mạng,... Bảng sau minh họa kết quả khảo sát của Vụ Thương mại điện tử về quan điểm của doanh nghiệp về tác dụng của website đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bài học kinh nghiệm ở Việt Nam
Ứng dụng của mạng Internet vẫn đang phát triển nhanh chóng nhưng các doanh nghiệp ở Việt Nam không nên chờ đợi để áp dụng công cụ kinh doanh có tính chất của cuộc cách mạng này. Thay vào đó, các doanh nghiệp cần giành lấy lợi thế rút ra từ những bài học của những doanh nghiệp đã sử dụng hình thức kinh doanh thông qua mạng Internet hiện tại ở Việt Nam và trên thế giới.
Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD