Sơ Lược Về Cấu Tạo Của Làn Da

07/03/2016 05:21:00


Để có được một làn da “ngọc ngà” không đơn giản là yếu tố di truyền, đằng sau đó còn là một quá trình chăm sóc vô cùng kỳ công và đều đặn. Ngay từ lứa tuổi 20, khi sự phát triển của tế bào có dấu hiệu chậm lại, thì đó cũng là lúc chúng ta cần quan tâm hơn đến làn da của mình. Để giúp việc săn sóc da đạt hiệu quả cao nhất, bạn cũng cần biết sơ lược về cấu tạo của làn da. Da bao bọc gần như toàn bộ trên cơ thể. Nếu kéo dài phần da của 1 người có thể lên tới 2m2, với tổng trọng lượng khoảng 15-20% trọng lượng cơ thể, đó quả là một con số ấn tượng. Nếu ví các cơ quan trong cơ thể là một ngôi nhà, thì da đóng vai trò là hàng rào bảo vệ, giúp ổn định thân nhiệt, chống mất nước, giảm các tác nhân độc hại từ  môi trường như: vi khuẩn, bụi bẩn, ánh nắng,…Điều tuyệt vời hơn, da còn là nơi đón nhận các xúc giác của cơ thể, giúp ta biết đau, nóng, lạnh và khoái cảm… Cấu tạo của làn da gồm 3 lớp chính lần lượt là thượng bì , trung bì và hạ bì (chân bì).


Sơ Lược Về Cấu Tạo Của Làn Da


  Cấu trúc 3 lớp của da


1.      Lớp thượng bì


Là phần trên cùng của làn da chiếm độ dày nhỏ nhất trong ba lớp tuy nhiên lại giữ vai trò quan trọng nhất. Thượng bì được chia làm 4 lớp nhỏ:


-Lớp sừng (lớp tế bào tróc vảy):  Khi bạn nhìn làn da 1 người là lúc bạn đang nhìn vào lớp sừng của người đó. Ở đây tập trung nhiều tế bào chết, được tạo thành từ những tế bào biểu bì bên dưới và được thay thế liên tục. Lớp vảy sừng có tác dụng che chở cho lớp tế bào sống bên trong. Lớp sừng chứa yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên (NMF), giúp da mềm mại, ẩm mượt. Khi môi trường bên ngoài khô nóng, cơ thể sẽ sản xuất nhiều NMF hơn, nhưng phải mất vài ngày mới sản xuất kịp, vì thế da bạn trở nên khô trước khi có sự trợ giúp của NMF. Đó là lý do tại sao dùng kem dưỡng ẩm cho da trong điều kiện thời tiết khô là rất quan trọng. 


-Lớp tế bào hạt: Lớp tế bào hạt ở trên lớp gai , có từ 3 – 4 hàng tế bào, chổ dày chổ mỏng tùy theo vị trí của da, tế bào hình thoi nhân sáng chứa nhiều hạt lóng lánh gọi là keratohyalin. 


-Lớp tế bào gai: Lớp này gồm những tế bào đã trưởng thành, có hình đa diện, xếp thành nhiều lớp, thường có từ 6 đến 10 hàng tế bào làm thành một lớp mềm như màng nhày. Các tế bào gai cũng có khả năng sinh sản bằng gián phân, quá trình biến đổi của thượng bì từ lớp đáy đến lớp gai khoảng 20 ngày.


-Lớp tế bào đáy: Nơi đây tập trung các “tế bào mẹ” là tế bào sản sinh ra tất cả các tế bào còn lại của lớp biểu bì. Chúng sinh ra các “tế bào con” và các tế bào con này sẽ di chuyển dần lên trên tạo thành các lớp bên trên (lớp gai, lớp hạt, lớp sừng). Khi tế bào di chuyển lên các lớp trên nghĩa là chúng đã già đi và chết khi tới lớp sừng,  tại đây chúng sẽ bong ra một cách tự nhiên. Quá trình này gọi là “vòng đời tế bào”, kéo dài từ 26 đến 42 ngày. Khi bạn càng già thì vòng đời tế bào càng kéo dài, tức là quá trình làm mới tế bào chậm đi, làm cho bề mặt da bạn trông sần sùi hơn.
 


Sơ Lược Về Cấu Tạo Của Làn Da


Cấu tạo lớp biểu bì: 4 lớp nhỏ


2.Lớp trung bì: Nằm sát ngay dưới biểu bì, là một mạng lưới các sợi liên kết, có nhiệm vụ nâng đỡ và nuôi dưỡng da. Đây là vùng có chứa các dây thần kinh, mạch máu, mạch bạch huyết, nang lông, tuyến nhờn và các tuyến mồ hôi. Lớp trung bì có chứa Collagen và Elastin định hình cấu trúc của da, tạo tính đàn hồi và độ săn chắc của da. 


3.Lớp hạ bì: Nằm dưới lớp chân bì, có chứa nước, các mô liên kết và mô mỡ. Lớp hạ đóng vai trò là lớp đệm giữa da và cơ thể. Hiểu được sơ lược về cấu tạo của da sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình chăm sóc cũng như biết quan tâm đúng cách tới làn da của mình. Chúc bạn thành công.



Chia sẻ: